Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Quy trình rửa tiền.







Economic Corner – WEGREEN: RỬA TIỀN, QUY TRÌNH SIÊU TINH VI, và BÍ MẬT SỰ THỊNH VƯỢNG TRONG BÓNG TỐI CỦA CÁC ĐẠI GIA

Rửa tiền vốn là hoạt động ưa thích của bọn tội phạm đặc biệt là những kẻ tham nhũng và những trùm mafia, cơn đau đầu của nhà chức trách. Ngày nay, cùng với sự trỗi dậy của các thị trường tài chính toàn cầu, hoạt động rửa tiền trở nên dễ dàng và cũng đáng báo động hơn bao giờ hết.

QUY TRÌNH RỬA TIỀN
Bước thứ nhất trong chu trình rửa tiền là CHẠY CHỖ TIỀN BẨN (Placement): kẻ rửa tiền đưa tiền bẩn vào lưu thông trong hệ thống tài chính (hay còn gọi bằng những từ lóng là “cài đặt”, “gửi tiền”), thường là dưới hình thức tiền mặt gửi ngân hàng. Đây là thao tác đầu tiên trong chu trình rửa tiền, nhằm che dấu nguồn gốc xuất xứ, thay đổi hình thái tồn tại của tiền bẩn nhằm bước đầu “hoà nhập” vào hệ thống tài chính ngân hàng. Đây là giai đoạn khó khăn nhất và dễ bị “tóm” nhất, đặc biệt đối với những khoản tiền lớn cỡ triệu đô la; bởi vì đối với bọn tội phạm và những khoản tiền lớn thường bị các cơ quan điều tra, cơ quan phòng, chống rửa tiền theo dõi, và các ngân hàng đều được yêu cầu phải báo cáo các giao dịch có giá trị cao. Hơn thế nữa, mỗi quốc gia đều có những quy định nhằm kiểm soát, đón lõng những hành vi rửa tiền của bọn tội phạm, như các quy định về lượng tiền mặt được lưu thông, được đưa qua biên giới, được phép thanh toán hay các quy định về khai báo ngân hàng… Bước này nếu thực hiện trót lọt thì khả năng rửa tiền của bọn tội phạm thành công là rất lớn.

Tại Mỹ, chỉ cần giao dịch hơn 10.000 USD là ngân hàng phải báo cáo với chính quyền. Do đó, lượng tiền bẩn lớn thường được chia nhỏ ra dưới mức 10.000 USD để tránh bị nghi ngờ và được gửi vào một hay nhiều tài khoản do nhiều người chuyển tiền khác nhau hoặc do một người duy nhất chuyển chậm trong thời gian dài.

Bước thứ hai trong chu trình rửa tiền là PHÂN LỚP TIỀN BẨN (Layering): quá trình tích tụ và quay vòng các khoản tiền sau khi chúng đã xâm nhập được vào các hệ thống tài chính (hay tiếng lóng của bọn tội phạm gọi là “sắp xếp”, “trộn lẫn” hay “chuyển đổi”). Mục đích của việc này là nhằm xoá bỏ hoàn toàn nguồn gốc “bẩn” của đồng tiền. Ở giai đoạn này, bọn tội phạm thường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tài chính, kế toán nhằm làm cho đồng tiền chuyển dịch khắp nơi, quay vòng nhiều lần nhằm xoá bỏ dấu vết phạm tội, cắt đứt một cách giả tạo mối liên hệ giữa tài sản và các hành vi phạm tội gốc. Cụ thể, các hoạt động của những kẻ rửa tiền bao gồm: Chuyển giao giữa các ngân hàng, giữa các tài khoản khác nhau mang các tên khác nhau ở các quốc gia khác nhau, liên tục gửi và rút để thay đổi số tiền trong các tài khoản, thay đổi chủng loại tiền tệ, và mua sắm những thứ có giá trị cao như tàu thuyền, nhà cửa, xe hơi, kim cương, tranh tượng… để biến hóa hình thức tiền. Đây là bước phức tạp nhất trong bất kỳ âm mưu rửa tiền nào, với mục tiêu làm sao cho tiền bẩn càng khó theo dõi càng tốt.

Bước thứ ba trong chu trình này là khâu cuối cùng của công đoạn rửa tiền: HỢP NHẤT TIỀN BẨN (Integration). Đây là giai đoạn đầu tư hợp pháp sau khi “đồng tiền bẩn” được che giấu dưới hình thức sạch sẽ. Ở giai đoạn này, những “đồng tiền bẩn” sau hàng loạt những thao tác nghiệp vụ đã có những vỏ bọc hợp pháp được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh như vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các khoản vay cá nhân, cổ phiếu, bất động sản,… Sau giai đoạn này, đồng tiền bẩn trở nên “sạch sẽ”, có khoảng cách khá xa với tội phạm gốc và là một thách đố cho cơ quan điều tra khi lần theo dấu vết của đồng tiền để truy tìm tội phạm gốc của chúng. Kẻ tội phạm xem như đã xuất sắc thành công trot lọt một phi vụ rửa tiền.

TRÙM MA TÚY COLOMBIA RỬA TIỀN & BỊ SA LƯỚI NHƯ THẾ NÀO?
Trong khoảng cuối những năm 1980 và đầu 1990, chuyên gia kinh tế tốt nghiệp ĐH Harvard Franklin Jurado đã vạch ra một kế hoạch tinh vi để phân tán 36 triệu USD cho trùm ma túy Colombia Jose Santacruz-Londono.

Dùng tiền bán ma túy tại Mỹ, Jurado MỞ NHIỀU TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG ở Panama để chuyển tiền cho hơn 100 tài khoản ở 68 ngân hàng thuộc chín nước châu Âu. Những giao dịch luôn có trị giá dưới 10.000 USD để tránh bị nghi ngờ. Các tài khoản được lập ra dưới tên giả của các nhân tình và thành viên gia đình Santacruz-Londono. Jurado sau đó LẬP RA NHIỀU CÔNG TY BÌNH PHONG ở châu Âu để tạo chứng từ thu nhập hợp pháp cho nguồn tiền này.

Giai đoạn hợp nhất cuối cùng là CHUYỂN TIỀN VỀ COLOMBIA, nơi Santacruz-Londono sẽ sử dụng ĐỂ TÀI TRỢ CHO VÔ SỐ DOANH NGHIỆP HỢP PHÁP của y tại đây. Nhưng chưa kịp chuyển tiền thì Jurado bị bắt sau khi một ngân hàng Monaco sụp đổ. Kiểm toán sau đó cho thấy nhiều tài khoản đều bắt nguồn từ Jurado. Cùng lúc đó, hàng xóm của Jurado ở Luxembourg đệ đơn kiện vì đêm nào nhà Jurado cũng phát ra tiếng ồn khó chịu. Đó là tiếng máy đếm tiền chạy không ngừng suốt đêm! Nhà chức trách địa phương đi điều tra và Jurado lọt lưới.

LỜI KẾT
Cùng với toàn cầu hoá, rửa tiền đã bùng nổ ở nhiều quốc gia, gây những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi. Mặc dù các quốc gia, đặc biệt các quốc gia phát triển, đã có luật định kiểm soát chặt chẽ nạn rửa tiền cộng với những nỗ lực không biết mệt mỏi của tổ chức quốc tế chống rửa tiền FATF nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền xuyên quốc gia, song dường như vấn nạn này vẫn tràn lan trong xã hội kim tiền hiện đại, làm gia tăng sự bóc lột tinh vi của những kẻ có đặc quyền tham lam với tài sản chung của xã hội; làm giãn cách sự chênh lệch giàu nghèo giữa các giai tầng; và tồi tệ hơn là làm con người trở nên mù quáng, mất hết nhân tính, và chà đạp lên các giá trị xã hội để trục lợi.

*** Trong bài có tham khảo các website: http://www.giri.ac.vn/http://24h.com.vn/
*** Link download file: http://www.mediafire.com/?u7isvs5ca9yxcef

[Admin T]
— with Kinh Tế Xanh, Du Huynh, Huynh Ngoc Long and 40 others.

1 nhận xét:

Đinh Công Tử nói...

Mình có 100.000đ VNĐ đang cần rửa không biết có ngân hàng nào nhận rửa giúp không ?